Hãy cùng thành thật với bản thân: Bạn có phải là người hay thay đổi thói quen và sẵn sàng thử thách những cái mới? Hay, bạn có xu hướng quen với những thói quen cũ, không thích sự thay đổi?
Với sự biến động của thị trường kinh tế trong những năm gần đây, các công ty thay đổi hướng đi là điều không thể tránh khỏi. Do đó, khả năng thích nghi luôn là tiêu chí hàng đầu của các nhà tuyển dụng khi đánh giá nhân viên của mình. Họ cho rằng những nhân sự có kỹ năng này sẽ có khả năng sáng tạo, linh hoạt hơn trong mọi hoàn cảnh và vấn đề. Việc sở hữu khả năng này, bạn đã có được ưu thế hơn rất nhiều so với các ứng viên khác.
Mục lục
Khả năng thích nghi là gì?
Thích nghi là khả năng thích ứng tốt trước sự thay đổi của môi trường, hoàn cảnh để phù hợp với xu hướng ngày nay. Nó có thể được rèn luyện bằng ý chí, thái độ và được xem là một trong các kỹ năng mềm cần có của mỗi người.
Tại sao chúng ta cần phải có khả năng thích nghi?
Mỗi giây phút trôi qua đều có những sự thay đổi không ai có thể lường trước được. Bằng chứng là các năm gần đây, sự biến động từ môi trường, chính trị, kinh tế, dịch bệnh khiến hoạt động của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và mỗi quốc gia phải chao đảo. Để vượt qua sự thay đổi của môi trường ngoại cảnh, mỗi người trong chúng ta cần phải “biến hóa” liên tục giống như cách chú “tắc kè hoa” đổi màu để thích nghi với từng điều kiện sống khác nhau.
Covid-19 là một ví dụ điển hình cho sự thích nghi đó. Nó đến và phá vỡ hoàn toàn những hoạt động vốn có thường ngày, đảo lộn cuộc sống của con người. Nhưng không phải chúng ta đã thích nghi rất tốt đó sao? Chúng ta đã học được cách làm việc tại nhà, học online,… chúng ta đã tạm gác những hoạt động, thói quen thường ngày để chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Và kết quả là không chỉ dịch bệnh được đẩy lùi mà cả những hoạt động học tập, làm việc thường nhật cũng không hoàn toàn ngưng trệ như chúng ta nghĩ trước đó..
Làm thế nào để thích nghi tốt?
Đặt ra các câu hỏi “Nếu như…” trước khi hành động
Hãy tạo cho bản thân thói quen đặt ra những câu hỏi “nếu như” trước khi bắt đầu làm chuyện gì đó. Ở đây sẽ là dạng các câu hỏi chứ không phải là các câu phủ định, hay mang nghĩa tiêu cực. Việc đặt ra các câu hỏi giúp chúng ta có được sự chuẩn bị, rèn luyện cho bản thân cách nhìn nhận theo góc nhìn tương lai, và hoạch định hướng đi kế tiếp. Từ đó, chúng ta có thể đưa dự đoán trước các tình huống và đưa ra các giải pháp cho vấn đề phát sinh.
Chủ động khám phá và học hỏi những cái mới
Bạn đã bao giờ gặp trường hợp này chưa? Khi con đường đi làm của bạn ngày nào cũng kẹt xe và bạn phải thức dậy từ sớm để có thể đi làm đúng giờ. Nay bạn lại thử đi con đường khác cũng kẹt xe nhưng nó lại ngắn hơn và nó giúp bạn tiết kiệm được thời gian dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng. Bạn có thường xuyên làm điều đó trong cuộc sống của bạn?
Cuộc sống sẽ trở nên thú vị rất nhiều khi bạn thay đổi những thói quen của mình. Bạn có thể khám phá và tìm cách phá vỡ những thói quen của bạn, có thể là xem một bộ phim mà không cần phụ đề, nấu món ăn đang hot trên mạng hay đơn giản hơn là đi một tuyến đường khác. Dẫu chỉ là sự thay đổi nhỏ nhưng nó sẽ kích thích được sự tò mò, tính sáng tạo của bản thân và biết đâu bạn sẽ tìm ra được thứ mình yêu thích đấy!
Đầu tư cho bản thân chưa bao giờ là cuộc đầu tư lỗ. Có thể những kiến thức, thông tin đó không liên quan tới công việc của bạn nhưng nó sẽ giúp bạn trong các mối quan hệ khác không chỉ riêng mối quan hệ đồng nghiệp. Chủ động trong việc thay đổi những quy tắc cũ, tác phong làm việc lỗi thời, học hỏi các kĩ năng mới.
Xử lý các tình huống và khả năng làm việc nhóm
Khi bắt đầu một công việc nào đó, chắc chắn bạn không thể hoàn thành tốt 100%. Sẽ có những lúc bạn gây ra sai lầm, bị chỉ trích từ cấp trên hay gặp khách hàng khó tính. Chính lúc này, chúng ta sẽ dễ bị mất tinh thần nhất. Người có khả năng thích ứng sẽ nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, họ hiểu được những sai phạm, chỉ trích ấy là điều họ cần phải làm tốt hơn để thích ứng với môi trường.
Khả năng làm việc nhóm cũng là một trong các tiêu chí mà các nhà tuyển dụng quan tâm. Trong môi trường làm việc hiện nay, nhân sự thường được chia ra các nhóm nhỏ để làm việc và các nhóm luôn có sự thay đổi theo chu kỳ. Để có thể làm việc tốt trong môi trường này, chúng ta phải thích ứng và chuyển đổi thói quen từ làm việc cá nhân sang làm việc nhóm một cách nhanh chóng.
Cuối cùng, rút ra được bài học từ các sai lầm
Đừng ngại ngần hay xấu hổ vì những lỗi lầm của mình, mà hãy coi nó là một bài học giúp chúng ta có kinh nghiệm, không để sai phạm thêm lần nữa. Lối suy nghĩ trốn tránh sự thật tiềm ẩn trong mỗi người cực kỳ tệ hại. Bạn nên có cái nhìn tích cực trong mọi hoàn cảnh, tình huống, chấp nhận nó và sửa đổi nó.
Hãy thoát ra khỏi vùng an toàn, đón nhận nhiều thay đổi và trải nghiệm từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Mọi kỹ năng cần được trau dồi, hoàn thiện mỗi ngày. Thực hiện những hành động nhỏ để phá vỡ thói quen cũ mỗi ngày. Hi vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn sẽ rút ra những bài học thật giá trị cho mình nhé!