Bệnh bàng quang tăng hoạt có thể điều trị khỏi nhưng có thể tái phát theo từng giai đoạn nếu có các yếu tố thuận lợi xuất hiện. Việc điều trị có thể kéo dài với phác đồ bao gồm các bước tùy theo mức độ nặng của bệnh, từ không xâm lấn đến phải can thiệp ngoại khoa.
Điều trị bàng quang tăng hoạt theo 3 bước: các biện pháp thay đổi hành vi, dùng thuốc và các biện pháp can thiệp khi kháng thuốc.
Mục lục
Thay đổi hành vi
Được xem là bước điều trị đầu tiên cho bàng quang tăng hoạt. Người bệnh có thể tự thực hiện, không tốn kém và rất hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu bệnh nhân phải hợp tác, tập luyện kiên trì thì mới đem lại kết quả tốt nhất. Các biện pháp thay đổi hành vi gồm có:
-
Giúp người bệnh hiểu thế nào là bàng quang có chức năng bình thường và thế nào là bất thường. Hướng dẫn người bệnh viết “nhật ký đi tiểu”. Tập đi tiểu theo giờ: hướng dẫn bệnh nhân khoảng thời gian thích hợp giữa 2 lần đi tiểu là 3 – 4 giờ và không nhất thiết cứ phải đi tiểu mỗi khi có cảm giác khác lạ trong bàng quang.
-
Điều chỉnh chế độ ăn uống: hạn chế một số thức ăn và thức uống có tính lợi tiểu hoặc gây kích thích bàng quang như caffeine, bia rượu, thức uống có đường, …
-
Điều chỉnh lượng nước uống vào của người bệnh theo điều kiện làm việc và sinh hoạt, uống trung bình khoảng 1500ml/ngày, hạn chế uống nước sau 18 giờ hoặc trong vòng 3-4 giờ trước khi ngủ.
-
Các kỹ thuật tập luyện: tập kìm nén và kiểm soát tiểu gấp, tập luyện bàng quang, tập co thắt cơ sàn chậu (phương pháp Kegel có ý nghĩa nhằm hỗ trợ việc kìm nén đi tiểu để điều trị tình trạng tiểu gấp hay tiểu gấp không kiểm soát).
Các biện pháp dùng thuốc:
Việc chỉ định sử dụng thuốc tùy theo đánh giá của bác sĩ về nguyên nhân sinh bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ.
-
Các thuốc kháng muscarin có tác dụng làm giảm sự co bóp của cơ chóp bàng quang. Các thuốc kháng muscarin đã được thử nghiệm lâm sàng và chứng minh là có hiệu quả tốt trong điều trị bàng quang tăng hoạt gồm có darifenacin, fesoterodine, oxybutynin, solifenacin, tolterodine và trospium. Tác dụng ngoại ý của các thuốc kháng muscarin là khô miệng, mờ mắt, nóng mặt, nhức đầu, tim đập nhanh, khó tiêu, táo bón, …
-
Một số thuốc cũng có hiệu quả lên bàng quang tăng hoạt, tuy nhiên cơ chế chưa rõ ràng như flavoxate, các thuốc chống trầm cảm ba vòng (imipramin, amitriptyline, duloxetine), nhóm thuốc chẹn alpha (tamsulosin, alfuzosin, doxazosin, …)
-
Thuốc mới mirabegron: cơ chế tác động lên thụ thể β3 adrenergic trong cơ chóp bàng quang, có tác dụng giãn cơ và gia tăng dung tích bàng quang. Ở Việt Nam hiện chưa có thuốc mới này.
Các biện pháp can thiệp khi kháng thuốc hoặc không dung nạp thuốc:
-
Tiêm onabotulinumtoxin A vào bàng quang.
-
Kích thích thần kinh cùng: đây là phương pháp cấy các dây điện cực vào rễ thần kinh cùng S3, nối với một máy tạo nhịp đặt dưới da vùng mông, qua đó kích thích thần kinh cùng để điều hòa các phản xạ thần kinh chi phối cơ chóp bàng quang và cơ đáy chậu. Phương pháp này được chỉ định để điều trị tình trạng ứ đọng nước tiểu trong bàng quang hay các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt như tiểu gấp không kiểm soát hay tiểu gấp – tiểu nhiều lần mà đã kháng trị với dùng thuốc.
-
Kích thích thần kinh chày: hiệu quả điều trị thành công khoảng 54,9 – 79,5%, tuy nhiên đây là phương pháp điều trị ít xâm hại, ít tác dụng phụ và dễ được chấp nhận.
-
Mở rộng bàng quang bằng ruột: phẫu thuật mở rộng bàng quang bằng ruột được chỉ định trong những trường hợp bàng quang có dung tích co nhỏ, rối loạn chức năng bàng quang với độ giãn nở kém. Tuy nhiên, đây là phẫu thuật nặng nề và tỉ lệ bệnh nhân phải chịu thông tiểu sạch cách quãng khá cao (10 – 75%, trong đó những bệnh nhân có bệnh lý do nguyên nhân thần kinh thường có tỉ lệ cao hơn), nên phương pháp mở rộng bàng quang bằng ruột chỉ áp dụng trong những trường hợp không thành công khi đã áp dụng những biện pháp ít xâm hại hơn.
Xem thêm:
- Sỏi bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Ung thư bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Bị viêm bàng quang cần tránh chuyện “yêu”?
- Biến chứng của viêm bàng quang