Bệnh cúm: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Bất cứ ai cũng có khả năng nhiễm cúm và hầu như ai cũng đã từng trải qua ít nhất một lần bị cúm trong đời. Cúm được đánh giá là một trong những căn bệnh đáng sợ khi bùng phát thành dịch, lịch sử đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới.

benh cum



Cúm là bệnh gì?

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus). Theo thống kê của WHO, thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm mỗi năm. Trong đó, khoảng nửa triệu ca tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 1 – 1,8 triệu người mắc cúm mùa.

Bệnh cúm có thể tự khỏi nhưng cũng có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa hoặc người có suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai… Bệnh có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Các chủng virus cúm hiện nay

Có 4 chủng virus cúm được ký hiệu là A, B, C, D. Trong đó chủng cúm A và B thường gặp ở người, cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng, trong khi đó cúm D ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh ở người.

Cúm A

Cúm A là dạng cúm mùa phổ biến nhất, chiếm khoảng 75% số ca nhiễm cúm ở người. Virus cúm A được phân loại thành nhiều phân tuýp dựa theo sự kết hợp giữa kháng nguyên ngưng kết hồng cầu Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N) là các protein chính trên bề mặt của virus. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, cúm A có thể bùng phát thành những đợt dịch lớn nhỏ khác nhau. Các đại dịch cúm toàn cầu được ghi nhận trong lịch sử thế giới cũng do các chủng của virus cúm A gây nên như dịch cúm A (H5N1), dịch cúm A (H3N2), đại dịch cúm A (H1N1).

Cúm B

Cúm B không được chia thành các phân týp, tuy nhiên nó có thể được chia làm 2 dòng là dòng B/Yamagata và dòng B/Victoria. Chủng cúm B cũng là một dạng cúm dễ gây bệnh ở người với tỷ lệ 25% số ca nhiễm cúm mùa hàng năm. Cúm B chỉ lây truyền từ người sang người, bệnh cúm B có khả năng lây lan rất mạnh, có thể gây thành dịch nhưng ít có nguy cơ trở thành đại dịch. Dù vậy, bệnh vẫn có thể có tác động nguy hiểm đến sức khỏe trong trường hợp diễn tiến nghiêm trọng.

Cúm C

So với 2 chủng cúm A và B, chủng cúm C ít gặp hơn, ít nguy hiểm hơn và không có những triệu chứng lâm sàng điển hình. Bệnh do cúm C không có khả năng bùng phát thành dịch ở người.

Cúm D

Chủng cúm D chủ yếu gây bệnh trên gia súc, chưa được xác định gây bệnh ở người. Virus cúm D có thành phần cấu tạo và đặc điểm phân bào tương tự như chủng virus cúm C.

Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm

Thông thường, các triệu chứng bị cúm có thể xuất hiện và khỏi sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh cúm kéo dài gây ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như sức khỏe của người bệnh. Một đợt cúm thường xảy ra theo 3 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn khởi phát (ngày thứ 1 – 3): Các triệu chứng cúm đột ngột xuất hiện bao gồm sốt, nhức đầu, đau và mỏi cơ, ho khan, đau họng, nghẹt mũi.
  • Giai đoạn toàn phát (ngày thứ 4 trở đi): Triệu chứng sốt và đau nhức cơ giảm. Người bệnh bị khàn tiếng, có cảm giác khô hoặc đau họng, ho và cảm thấy tức ngực. Ngoài ra, một số người cũng có thể thấy cơ thể mệt mỏi hoặc đầy hơi.
  • Giai đoạn hồi phục (ngày thứ 8 trở đi): Các triệu chứng giảm dần, cơn ho và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài 1 – 2 tuần tiếp theo.

Nguyên nhân gây bệnh cúm

Virus cúm (Influenza virus) chính là nguyên nhân gây bệnh cúm ở người, virus cúm tấn công vào hệ hô hấp của người bệnh, bao gồm mũi, cổ họng và phổi. Theo nghiên cứu dịch tễ, các chủng virus cúm có khả năng biến đổi liên tục theo chu kỳ hàng năm, do đó tỷ lệ trẻ em và người lớn lây nhiễm với các chủng cúm mới có thể lên tới 90% (1).

Tại Việt Nam, bệnh cúm thường gây ra bởi 3 chủng virus cúm A, B và C. Trong đó, chủng A và B là 2 chủng phổ biến nhất ở người. Cúm có khả năng lây nhiễm khủng khiếp, được xếp vào một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất thế giới khi bùng phát thành đại dịch. Trong lịch sử nhân loại đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người như: Dịch cúm Tây Ban Nha 1918 (2),đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009 (3),…

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh cúm, trong đó, có khoảng 500.000 người tử vong bởi các vấn đề sức khỏe liên quan đến cúm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 1-1.8 triệu người nhiễm cúm. Song song với nỗi lo về Covid-19, bệnh cúm cũng xuất hiện quanh năm, đặc biệt khi thời tiết trở lạnh và có thể gây ra những ổ dịch rải rác tại các địa phương nếu không có các biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Các dấu hiệu, triệu chứng cúm thường gặp

Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh. Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh cúm và cảm lạnh do triệu chứng cúm và cảm lạnh tương đồng với nhau. Ngoài các dấu hiệu nhận biết bệnh cúm là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh cúm còn có các dấu hiệu cảnh báo như sau:

  • Sốt vừa đến cao (trên 38oC);
  • Cảm giác ớn lạnh;
  • Đau đầu, chóng mặt;
  • Đau nhức cơ bắp;
  • Mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực;
  • Buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn).

Thời gian ủ bệnh cúm thường kéo dài trong khoảng 2 ngày. Sau khoảng 5 ngày, triệu chứng sốt và các triệu chứng khác sẽ biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.

Bệnh cúm có lây không? Lây qua đường nào?

Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm virus rất cao trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lớn bùng phát thành đại dịch. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo trẻ em và người lớn nên chủ động phòng tránh và ngăn chặn nguồn lây virus cúm cho người khác. Vậy bệnh cúm có lây không? Bệnh cúm lây qua đâu? Thông thường, virus cúm lây truyền nhanh chóng từ người sang người chủ yếu qua 2 đường:

  • Lây qua dịch tiết đường hô hấp: Triệu chứng phổ biến ở những người nhiễm cúm là ho và hắt xì. Tuy nhiên, khi hắt xì và ho, người bệnh sẽ tạo điều kiện cho virus trong cơ thể bắn ra ngoài theo tuyến nước bọt. Với khả năng tồn tại dai dẳng, virus cúm có thể phát tán rộng trong không khí với phạm vi 2m. Do đó, người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần, trò chuyện trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Lây qua bề mặt tiếp xúc: Việc sử dụng chung vật dụng như khăn, quần áo, bàn chải, ly uống nước,… có thể ẩn chứa nguồn lây nhiễm virus bệnh cúm. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt xì sẽ khiến cho các dịch tiết bắn ra ngoài và bám lên các đồ vật. Nếu bạn chạm phải đồ vật đó và vô tình đưa tay trực tiếp lên mũi, miệng thì nguy cơ cao virus sẽ xâm nhập và tấn công cơ thể.

Bệnh cúm có thể bùng phát vào bất kỳ mùa nào trong năm, đỉnh điểm là vào tháng 3, tháng 4, tháng 10 và tháng 11. Song song đó, các triệu chứng như sổ mũi, đau nhức cơ thể cũng sẽ nặng nề hơn vào mùa lạnh do không khí ẩn chứa nhiều nguồn vi khuẩn khác. Do đó, khi thời tiết trở lạnh, trẻ em và người lớn nên chủ động dự phòng bằng vắc xin, giữ ấm cơ thể và ngăn chặn mọi nguồn lây nhiễm để hạn chế khả năng bị bệnh.

Đối tượng nào dễ bị cúm?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, bệnh dễ gặp nhất ở những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng yếu như:

  • Trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin cúm nên có nguy cơ nhiễm cúm rất cao. Đối với những em bé sinh non (dưới 32 tuần tuổi) kèm theo những nguy cơ về sức khỏe có khả năng mắc cúm cao hơn và diễn biến nặng nề hơn.
  • Trẻ em: Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm mùa. Với những trẻ mắc bệnh lý nền như suyễn, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim bẩm sinh, bệnh gan – thận… thì nguy cơ mắc cúm và biến chứng đặc biệt cao, do đó trẻ em luôn là đối tượng được khuyến cáo tiêm vắc xin cúm đầy đủ và tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
  • Người lớn >65 tuổi; Những người có bệnh nền mãn tính như: tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch,…;
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều sự thay đổi, nội tiết tố thay đổi, hệ miễn dịch yếu hơn khiến cho sức đề kháng của họ suy giảm. Điều này khiến cơ thể bà bầu nhạy cảm hơn và dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Tương tự, trải qua quá trình sinh nở, người phụ nữ bị suy giảm sức khỏe thể chất cũng như sức đề kháng, tạo điều kiện cho virus cúm dễ dàng tấn công (4).

Biến chứng bệnh cúm

Bệnh cúm có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm thông thường, do đó rất nhiều người chủ quan, xem nhẹ, không điều trị hoặc điều trị trễ khi bệnh chuyển nặng, có thể gây biến chứng nguy hiểm đường hô hấp như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi nguồn của viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu… nếu không được điều trị kịp thời.

Phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ thì rất nguy hiểm. Đây là giai đoạn thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển nhiều bộ phận của cơ thể, do đó nếu người mẹ mắc cúm trong giai đoạn này sẽ có nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai hoặc thai lưu.

Biến chứng của bệnh cúm nguy hiểm nhất là hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan và não), thường gặp nhất ở trẻ trong độ tuổi 2 – 16. Mặc dù đây là hội chứng rất hiếm gặp nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Biến chứng này có thể xuất hiện chỉ sau vài ngày bị cúm, khi các triệu chứng cúm có dấu hiệu giảm dần, trẻ đột nhiên nôn mửa, mê sảng, co giật, chuyển sang hôn mê sâu rồi tử vong (5).

Chẩn đoán, xét nghiệm cúm

Bệnh cúm có thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng đặc trưng, tuy nhiên rất khó để phân biệt dấu hiệu bị cúm với các bệnh do các tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác.

Để chẩn đoán, xác định người bệnh nhiễm virus cúm cần dựa vào các các xét nghiệm virus học như nuôi cấy virus, phát hiện acid nucleic (PCR, RT-PCR) hay huyết thanh chẩn đoán. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện chụp X-quang phổi để đánh giá mức độ tổn thương do virus cúm gây ra.

Điều trị bệnh cúm

Mục tiêu chính của điều trị cúm là giảm nhẹ và loại bỏ triệu chứng. Hiện tại có nhiều phương pháp điều trị bệnh cúm, đối với các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà (nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ). Đối với những trường hợp nặng bệnh nhân phải nhập viện để được điều trị và chăm sóc đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát.

Điều trị tại nhà

Người nhiễm cúm cần được nghỉ ngơi cho đến khi hạ sốt, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu và chú ý uống nhiều nước. Sử dụng nước muối loãng có tính sát khuẩn tốt, người bệnh có thể sử dụng để vệ sinh họng, hỗ trợ giảm nhanh các triệu chứng đau họng, rát cổ và viêm nhiễm cổ họng.

Cần vệ sinh mũi sạch sẽ để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, giúp người bệnh dễ chịu hơn. Lưu ý, sau khi thực hiện vệ sinh mũi xong cần vệ sinh tay sạch sẽ để tránh tình trạng lây lan bệnh.

Dùng thuốc

Để giảm các triệu chứng sốt, đau đầu, đau mỏi người do bệnh gây ra, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen nhưng phải cân nhắc với một số đối tượng như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang bầu và người mắc bệnh nền hoặc có tiền sử dị ứng thuốc. Không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt trong bệnh cúm vì có nguy cơ gây hội chứng Reye nguy hiểm với bệnh nhân.

Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc điều trị đặc hiệu, chẳng hạn như Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir (Relenza) có công dụng làm giảm triệu chứng của cúm và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Dinh dưỡng cho người bệnh cúm

Người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và phù hợp với thể trạng. Khi bị cúm nên lưu ý:

  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Uống đủ 2l nước/ngày và ăn nhiều trái cây, rau xanh, sử dụng thêm các loại nước có bổ sung chất điện giải để cung cấp thêm natri và kali.
  • Ăn thực phẩm dễ nuốt: Khi cơ thể bị cúm, người bệnh thường không có cảm giác thèm ăn, lúc này cháo, súp hay các thực phẩm loãng sẽ giúp người bệnh dễ ăn mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng.
  • Ăn thực phẩm nhiều kẽm: Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như tôm, hàu, thịt bò, sò, ngũ cốc, yến mạch,… giúp người bệnh cúm chóng phục hồi sức và cải thiện hệ miễn dịch.
  • Các loại rau củ quả: Bệnh nhân cúm cần được bổ sung nhiều loại rau của trong bữa ăn, đặc biệt là các loại rau có màu đậm như: Cải bó xôi, cải xoăn, súp lơ…

Bên cạnh những thực phẩm có lợi cũng có không ít những thực phẩm gây hại và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của cúm. Người bệnh nên tránh một số sản phẩm sau:

  • Các thực phẩm chế biến sẵn: Thức ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ ăn chiên xào gây khó tiêu, dễ khiến người bệnh buồn nôn. Hơn nữa, những thực phẩm này không chứa nhiều chất dinh dưỡng.
  • Các loại đồ uống chứa cồn, chất kích thích như soda, rượu, cà phê… cũng gây mất nước và dễ làm giảm hệ thống miễn dịch ở người bị cúm.
  • Các thực phẩm cứng sẽ có khả năng gây khó tiêu và làm nặng thêm các cơn ho, đau họng, vì vậy bệnh nhân cúm cũng nên tránh xa.

thuc an cho nguoi benh cum

Người bị cúm nên ăn những thức ăn dễ nuốt như súp, cháo,…

Phòng ngừa bệnh cúm

Để chủ động phòng cúm, người dân nên thực hiện các biện pháp:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch với xà phòng đồng thời vệ sinh mũi, họng bằng nước muối thường xuyên.
  • Luôn giữ ấm cơ thể, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp với luyện tập thể thao nâng cao thể trạng.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ nếu không thật sự cần thiết.
  • Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
  • Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời
  • Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

Đặc biệt, cúm là bệnh do virus gây ra và có thể phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Canada đã chỉ ra rằng tiêm phòng vaccine cúm có thể giảm tới 50% nguy cơ đột quỵ, đau tim và tử vong do các bệnh lý liên quan tới tim mạch.

Tại Việt Nam, vắc xin cúm mùa được chỉ định tiêm phòng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả các loại vacxin cúm đã được chứng minh làm giảm khả năng mắc và tử vong do cúm. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vắc xin cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm, và virus cúm thường có tính đột biến cũng như thay đổi cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm, do đó trẻ em, người lớn rất cần được tiêm vắc xin cúm nhắc lại hằng năm.

Hiện nay, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC có đầy đủ vắc xin phòng cúm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn như vắc xin Influvac (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc) và Ivacflu-S (Việt Nam) phòng được 3 chủng cúm, gồm 2 chủng cúm A (A/H1N1, A/H3N2), 1 chủng cúm nhóm B (Yamagata hoặc Victoria). Đặc biệt, VNVC tự hào là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam triển khai tiêm rộng rãi vắc xin cúm Tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp) phòng được 4 chủng cúm nguy hiểm nhất hiện nay là chủng 02 cúm A (A/H3N2, A/H1N1) và 02 chủng cúm B (Yamagata, Victoria).

Đặc biệt theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy việc giảm nhu cầu thở máy ở những bệnh nhân COVID-19 đã từng chủng ngừa cúm, cũng như tỷ lệ nhập viện thấp hơn và thời gian nằm viện cũng giảm ở những những người đã được tiêm chủng vắc xin cúm trước đây. Chúng ta đang ở giữa một mùa cúm, mà nó lại đang xảy ra trong bối cảnh của một đại dịch COVID toàn cầu, gây thêm căng thẳng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như tạo ra mối nguy cơ tiềm ẩn cho việc đồng nhiễm COVID-19 và cúm.

Để đăng ký tiêm vắc xin cúm hoặc tiêm trọn gói vắc xin tại Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, bạn có thể cung cấp thông tin tại đây hoặc gọi tới hotline 028 7300 6595, nhắn tin cho Fanpage VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn hoặc liên hệ trực tiếp Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Bệnh cúm có thể lây lan mạnh và trở thành “sát thủ” cho cả gia đình, cộng đồng khi mùa đông đến. Giữa thời điểm Covid-19 đang tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát trên toàn cầu, trẻ em và người lớn cần chủ động chủng ngừa cúm đúng lịch, đủ liều để gia tăng miễn dịch dị hợp, giảm nguy cơ đồng nhiễm cúm mùa và Covid-19 trong cùng một thời điểm.