Mục lục
- 1 Bạn đã hiểu rõ về chiến dịch quảng cáo và cách để triển khai một chiến dịch hiệu quả chưa?
- 2 Cùng Advertising Vietnam tìm hiểu kỹ hơn về chiến dịch quảng cáo thông qua những chia sẻ bổ ích từ anh Leo Phan, giám đốc sáng tạo với hơn 20 kinh nghiệm qua buổi talkshow “Chiến dịch quảng cáo là gì?” diễn ra vào ngày 13/06 trên ứng dụng OnMic.
- 3 Khác biệt giữa chiến dịch quảng cáo và quảng cáo đơn lẻ
- 4 Tại sao phải thực hiện chiến dịch quảng cáo
- 5 Những lưu ý khi thực hiện chiến dịch quảng cáo
- 6 Thời gian của chiến dịch
- 7 Xác định lộ trình truyền thông
- 8 Tạo một thông điệp xuyên suốt
- 9 Tạm kết
Bạn đã hiểu rõ về chiến dịch quảng cáo và cách để triển khai một chiến dịch hiệu quả chưa?
Cùng Advertising Vietnam tìm hiểu kỹ hơn về chiến dịch quảng cáo thông qua những chia sẻ bổ ích từ anh Leo Phan, giám đốc sáng tạo với hơn 20 kinh nghiệm qua buổi talkshow “Chiến dịch quảng cáo là gì?” diễn ra vào ngày 13/06 trên ứng dụng OnMic.
Cùng Advertising Vietnam tìm hiểu kỹ hơn về chiến dịch quảng cáo qua chia sẻ của anh Leo Phan
Khác biệt giữa chiến dịch quảng cáo và quảng cáo đơn lẻ
Trước khi lên kế hoạch truyền thông, doanh nghiệp cần hiểu rõ chiến dịch quảng cáo là gì để thu được kết quả tốt nhất.
Có hai hình thức quảng cáo phổ biến là quảng cáo đơn lẻ và chiến dịch quảng cáo. Về tính chất, quảng cáo đơn lẻ (one shot) là mức độ nhỏ hơn, giới hạn về ý tưởng triển khai. Các quảng cáo đơn lẻ chủ yếu được dùng để thông báo chương trình giảm giá, quảng bá sản phẩm, ra mắt sản phẩm mới hoặc sự kiện đặc biệt của thương hiệu.
Banner quảng cáo của Highlands Coffee
Quảng cáo đơn lẻ là hình thức quảng cáo mà nhiều người dùng dễ bắt gặp trên các nền tảng mạng xã hội, các quảng cáo OOH ngoài trời hoặc banner quảng cáo trên website.
Trong chiến dịch quảng cáo, các mẫu quảng cáo đều phục vụ cho việc thể hiện một thông điệp chung nhất (Big concept) mà thương hiệu muốn truyền tải đến khách hàng.
Các quảng cáo trong cùng một chiến dịch có thể được thực hiện trên nhiều mặt trận khác nhau như mạng xã hội, trình chiếu ngoài trời, TVC,…
Tại sao phải thực hiện chiến dịch quảng cáo
Nhiều marketer đặt câu hỏi rằng: Tại sao phải chạy chiến dịch quảng cáo thay vì sử dụng nhiều quảng cáo đơn lẻ?
Dựa trên mục tiêu và thông điệp truyền thông này, các marketer có thể tác động vào nhận thức và cảm xúc của người dùng. Dẫn đến việc thay đổi hành vi của khách hàng, như từ bỏ sản phẩm A để mua sản phẩm B, từ đó giúp đẩy mạnh doanh số thu được.
Ví dụ tiêu biểu ta có thể đề cập đến là Biti’s với chiến dịch quảng cáo “Đi để trở về”. Chiến dịch này của Biti’s đã đi đến năm thứ 5, truyền tải một thông điệp chung cho đối tượng người trẻ rằng dù họ có đi khám phá, trải nghiệm ở những đâu, Biti’s vẫn đồng hành cùng họ trong hành trình đó.
MV Đi Để Trở Về của Soobin Hoàng Sơn – Ca sĩ mở đầu cho chiến dịch thành công của Biti’s
Chiến dịch được Biti’s định hướng thực hiện trong nhiều năm, điều này đã giúp thông điệp “Đi để trở về” hằn sâu vào tâm trí của người trẻ, mỗi khi nhớ đến câu tagline quen thuộc là người ta lại nhớ đến Biti’s.
Những lưu ý khi thực hiện chiến dịch quảng cáo
Thời gian của chiến dịch
Khi thực hiện chiến dịch quảng cáo, doanh nghiệp cần lưu ý về thời gian chiến dịch diễn ra, yếu tố này tác động lớn lên ngân sách quảng cáo.
Chiến dịch quảng cáo nhỏ có thời gian ít hơn 3 tháng. Thông thường các chiến dịch này diễn ra tại một khoảng thời gian đặc biệt trong năm ví dụ như Tết, trung thu, mùa hè,… và truyền tải một thông điệp đặc biệt trong thời gian đó.
Có thể kể đến một chiến dịch có thời gian ngắn như video âm nhạc “Đi Về Nhà” của Đen Vâu cùng JustaTee của Honda Việt Nam. Video được đăng tải trước thời gian nghỉ Tết khoảng một tháng và các hoạt động truyền thông của Honda Việt Nam trên mạng xã hội chỉ diễn ra trong 3 tháng Tết âm lịch 2021.
Sự góp mặt của cả Đen Vâu và JustaTee tạo nên MV cực trending cho Honda Việt Nam
Với chiến dịch quảng cáo lớn, thời gian có thể diễn ra từ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, một năm hoặc thậm chí là nhiều năm. Dù có khoảng thời gian khác nhau, chiến dịch quảng cáo luôn bao gồm nhiều chiến dịch nhỏ chạy độc lập nhưng liên kết với nhau bởi một thông điệp chung.
Sứ mệnh của OMO “Làm điều hay – ngại gì bẩn” (Dirt is good) là thông điệp mà thương hiệu sử dụng xuyên suốt từ năm 2005 để ghi dấu ấn trong lòng khách hàng. Trong dịp tết Tân Sửu 2021, OMO một lần nữa thể hiện sứ mệnh của mình trong thông điệp “Lời chúc hóa hành động – Lấm bẩn mang điều hay”, truyền tải đến cho mọi người một thông điệp ý nghĩa và đầy nhân văn về một “Tết xanh” đúng nghĩa với hành động trồng cây bảo vệ môi trường.
Hai nghệ sĩ nổi bật trong năm 2020 là Rhymastic và Suboi trong MV chiến dịch Tết của OMO
Mặc dù với thông điệp không quá mới, OMO vẫn có cách để biến hóa thông điệp thương hiệu trong các chiến dịch quảng cáo để tạo sự gắn kết với khách hàng.
Xác định lộ trình truyền thông
Khi triển khai một chiến dịch quảng cáo, doanh nghiệp cần tạo nên một chiến lược tiếp cận nhất quán và chia nhỏ chúng thành các chiến thuật truyền thông.
Hiểu một cách đơn giản là khi triển khai một chiến dịch quảng cáo, thương hiệu cần xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu muốn nhắm đến, các kênh truyền thông phù hợp và xây dựng lộ trình truyền thông triển khai các ý tưởng để thu lại hiệu quả tốt nhất.
Một trong những thương hiệu thực hiện tốt điều này là BAEMIN, mặc dù mới ra mắt không lâu, thương hiệu này đã tạo cho mình chỗ đứng vững chắc trong lòng người dùng qua những chiến dịch quảng cáo sáng tạo.
MV nằm trong chiến dịch quảng cáo cho bộ sưu tập bánh ngọt của BAEMIN
Thông qua việc xác định đối tượng khách hàng mục tiêu là nhân viên văn phòng nữ trong độ tuổi từ 20 đến 30, BAEMIN xây dựng các chiến dịch quảng cáo tập trung vào mặt cảm xúc để đáp ứng nhu cầu ăn uống đa dạng của họ. Với các chiến dịch như “Phụ nữ nên yêu an toàn hay thú vị”, “Em bé”, và mới đây là “Ngọt”, BAEMIN dựa vào các video trending trên YouTube để thiết lập suy nghĩ và nhận thức của khách hàng, hướng khách hàng đến việc lựa chọn đồ ăn thông qua cảm xúc, khiến họ hành động theo mục tiêu chiến dịch.
Tạo một thông điệp xuyên suốt
Khi xây dựng thông điệp cho chiến dịch quảng cáo của mình, doanh nghiệp cần lưu ý rằng thông điệp phải phù hợp để triển khai theo chiều sâu, kể được nhiều câu chuyện khác nhau.
Một thông điệp tốt sẽ tạo sự gần gũi với người dùng, giúp họ cảm nhận được bản thân trong câu chuyện đó. Nhờ vậy, thương hiệu dễ dàng tác động đến cảm xúc và thay đổi hành vi của người dùng.
Thông điệp “Tết yêu thương” của Coca-Cola luôn tạo sự kết nối cao với ý nghĩa lan tỏa yêu thương mỗi dịp Tết đến
Bước tiếp theo, các marketer cần xác định cách thể hiện của thông điệp như video ca nhạc, chuỗi sự kiện, bài đăng mạng xã hội, poster giới thiệu,… Tất cả các hình thức này đều là phương tiện tiếp cận người dùng, do đó cần phải chia sẻ với nhau một câu chuyện chung.
Sau khi đã xác định được các hình thức của ý tưởng, đây là lúc bộ phận sáng tạo của doanh nghiệp cần dựa trên lộ trình truyền thông để triển khai chi tiết trên các kênh khác nhau.
Tạm kết
Thông qua bài viết được đúc kết trên những chia sẻ của anh Leo Phan, hy vọng các marketer hiểu rõ và áp dụng chiến dịch quảng cáo một cách hiệu quả để mang lại những kết quả tốt về mặt truyền thông cho doanh nghiệp.
Các marketer có thể chờ đón thêm nhiều buổi chia sẻ thú vị về ngành quảng cáo bằng cách bấm theo dõi anh Leo Phan trên ứng dụng OnMic.
Tải app bằng QR Code:
Tổng hợp
Minh Hoàng | Advertising Vietnam