Kiến thức về comedy là gì | Sen Tây Hồ

  • “MA” – một hình tượng nghệ thuật!
  • Nghệ thuật đúc đồng Đại Bái thế kỷ XX
  • Bức tranh đắt giá của nghệ thuật đại chúng

Hiện tại nhóm có 5 thành viên chính thức. Bốn diễn viên hài độc thoại là Uy Lê, Tùng BT, Uy Nguyễn và Phương Nam. Ngoài ra còn có một “tổng quản” đứng sau thành công của những video và kênh Youtube của nhóm là anh Hiền Nguyễn, video editor của nhóm. Với tinh thần phát triển hài độc thoại, Saigon Tếu muốn lan tỏa niềm vui và sự tích cực đến tất cả mọi người.

Chỉ từ tháng 4/2020 đến nay, Saigon Tếu đã có khoảng 5 triệu lượt xem và hơn 100.000 lượt theo dõi trên Youtube và Facebook qua những clip hài độc thoại. Nhóm còn được “để ý” bởi một số kênh truyền hình như HTV7 và ANTV. Thành viên Phương Nam đã thành một hiện tượng “viral” với 2 triệu lượt xem và hơn 95.000 lượt theo dõi trên Facebook. Saigon Tếu luôn có show diễn vào thứ tư hằng tuần và đã xây dựng được 10 workshop hài độc thoại.



Hài độc thoại (tiếng Anh: Stand-up comedy) là thể loại hài kịch trong đó nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trước các khán giả, thường là tự sự về những câu chuyện hay suy nghĩ của cuộc đời mình. Những chia sẻ tuy gần gũi, nhưng qua góc nhìn hài hước của diễn viên sẽ làm khán giả phải bật cười sảng khoái.

Trong khoảng thời gian từ 10-20 phút, người nghệ sĩ gần như phải thoại liên tục, hoàn toàn chủ động từ hình thể cho đến đài từ chứ không có những màn tung hứng cùng bạn diễn như các thể loại hài kịch khác. Khó ở chỗ, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy diễn viên phải cực kỳ thông minh, hài hước và duyên dáng để mang lại tiếng cười cho khán giả.



“Lực lượng” nghệ sĩ hài độc thoại của Saigon Tếu (từ trái qua): Tùng BT, Uy Nguyễn, Uy Lê, Phương Nam.

“Mình bắt đầu diễn hài độc thoại từ năm 2016, ngày đó mình hay đi học mấy cái workshop để kiếm chứng chỉ hoạt động ngoại khóa bỏ vào hồ sơ xin việc. Hài độc thoại là một workshop như vậy trong cộng đồng mấy bạn nước ngoài. Sau đó học xong mình đi thi được giải, rồi cứ diễn từ từ nên quen luôn…”, Uy Lê – thủ lĩnh của Saigon Tếu kể về việc bén duyên với nghề hài độc thoại.



Uy Lê, Tùng, Uy Nguyễn và Phương Nam đều từng hoạt động bên cộng đồng hài độc thoại tiếng Anh. Cứ thế, đúng người, đúng thời điểm thì lập thành nhóm. Và Saigon Tếu ra đời.

Thử thách diễn hài độc thoại tiếng Việt

Uy Lê quen diễn hài độc thoại bằng tiếng Anh từ năm 2016. Nhưng anh luôn nghĩ về chuyện diễn bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, Uy cũng tự thấy việc này khá “lạ lẫm” và khó khăn từ ban đầu. Có lẽ vì khi diễn tiếng Việt, người nghệ sĩ phải thấu hiểu văn hóa đương đại và Uy thì chưa có khái niệm rõ ràng về loại hình này lắm.

“3 năm trước mình và Uy Nguyễn cũng từng thử làm, rồi rút ra kết luận diễn bằng tiếng Việt khá là… đáng sợ. Tuy nhiên, sự bắt đầu của Saigon Tếu phần lớn phải nói đến công của anh Tùng. Anh là người đầu tiên thực sự thúc đẩy và kết nối mọi người lại. Sau đó tụi mình đã cùng nhau thử nghiệm và bắt đầu làm quen dần. Đến giờ thì mình thích diễn tiếng Việt hơn tiếng Anh luôn”.

Khi thử chuyển những câu đùa trong tiếng Anh sang tiếng Việt, vì bản chất hài trong ngôn ngữ sẽ khá khác nhau, Uy khó có thể dịch được những thứ cụ thể như chơi chữ, hay những sự thật ngầm hiểu về văn hoá mỗi nơi.

Tuy nhiên, khi tiếp cận hài tiếng Việt, Uy cảm thấy những rào cản đó trở thành cơ hội để sáng tạo hơn nữa: “Nếu không dịch được những gì mình đã từng làm ở tiếng Anh, thì mình tìm thứ mới trong tiếng Việt thôi. Mà tiếng Việt mình cực kì giàu đẹp, thiếu gì cái để khai thác”.

Cho thỏa đam mê

Với giá vé dao động chỉ khoảng 100.000 đồng cho một buổi diễn hài độc thoại 2 giờ với rất nhiều nhân lực chuẩn bị, lợi nhuận thu được không đáng kể. Các thành viên trong nhóm đều vì đam mê là chính. Tất cả các thành viên hiện tại đều đang có những công việc chính khác. Tinh thần chung cũng là muốn xây dựng cộng đồng hài độc thoại trước, qua những chuỗi workshop và show diễn. Các bạn khán giả đi xem đa số cũng là sinh viên, nên không lấy giá vé quá cao.

Toàn là “món ngon nhà làm”, trong tương lai nhóm hy vọng sẽ “có miếng” hơn khi đã “có tiếng”. Trước mắt, quan trọng nhất là được chia sẻ cái hay ho của hài độc thoại đến càng nhiều người càng tốt.

“Mình từng học ngành thiết kế đồ họa rồi làm bên quảng cáo, account và planning, hiện tại đang chuyển qua làm brand và marketing”, Uy chia sẻ. Nghề nghiệp chính thì có thay đổi chứ “nghề tay trái” vẫn luôn là nghệ sĩ hài độc thoại suốt 5 năm qua vì sở thích và đam mê.

Có câu chuyện trong mỗi chúng ta

Saigon Tếu đang cố gắng xây dựng hài độc thoại như một cách kể câu chuyện của bản thân mình, và cảm thấy thoải mái với những điều khó nói, rất con người của mỗi chúng ta.

Không có giới hạn cho đề tài diễn hài độc thoại, những câu chuyện dung dị hằng ngày như học hành thi cử, tình yêu đôi lứa, những vấn đề thời sự, những câu chuyện gây sốt, … đều có thể khai thác và đưa lên sân khấu. Trang phục biểu diễn cũng chỉ là thường phục hằng ngày, không cần hóa trang cầu kì. Có nghệ sĩ, có khán giả, đã đủ yếu tố bắt đầu một sân khấu hài độc thoại.

Khác với các loại hình sân khấu khác – diễn viên chỉ diễn và khán giả chỉ xem, hài độc thoại mang tính tương tác lớn hơn nhiều. Diễn viên có thể nói chuyện, gây cười, chọc quê khán giả hay thậm chí mắng thẳng vào mặt họ, nhưng tất cả đều được khán giả bỏ qua theo những tràng cười. Cái khéo của người nghệ sĩ hài độc thoại là làm sao dẫn dắt cho khán giả tìm thấy bản thân mình đồng cảm với những câu chuyện kể, để miếng hài có “kẻ tung người hứng”.

Để hài độc thoại trở nên phổ biến hơn

Saigon Tếu đã tự tin tổ chức một số buổi workshop “Nghĩ Hài Hước”, “Viết Hay Ho”, “Quẩy Tự Tin”, … để giúp mọi người khám phá những câu chuyện, lời tự sự, những điều chúng ta luôn “độc thoại” với bản thân, kể cả những tiêu cực, trăn trở… từ đó tìm ra những góc nhìn vui vẻ, hài hước để cuộc sống tích cực hơn. Không những thế, một số bạn sẽ có may mắn biến những câu chuyện làm cho người khác cười phá lên. Đó chắc hẳn là khoảnh khắc họ đã vượt qua một rào cản của cuộc đời mình rồi đấy.

Mọi người tham dự workshop cũng sẽ được luyện tập và thực hành kĩ năng trình diễn, sử dụng giọng nói và ngôn ngữ hình thể để “quẩy tự tin” trên sân khấu. Mục đích của workshop giúp bạn có thêm kinh nghiệm sân khấu, nói chuyện trước đám đông và thoải mái là chính mình trên sàn diễn, điều khiển được sự chú ý của tất cả mọi người.

“Với cá nhân mình thì mình khá tâm đắc về workshop “Viết Hay Ho” mà mình đang xây dựng. Qua những lần chia sẻ workshop này, đã có rất nhiều người chia sẻ với mình là họ đến để học cách hài hước, nhưng kết quả lại nhận ra khá nhiều bài học khác về cuộc sống, cách suy nghĩ tích cực, kĩ năng thảo luận, và điều tiết sức khoẻ tâm lý. Mình luôn tin một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Vì vậy mình cũng rất muốn, qua cách chia sẻ giáo dục về hài độc thoại, mình có thể giúp nhiều người vượt qua những vấn đề cá nhân như trầm cảm, khủng hoảng tâm lý cá nhân. Vì hài độc thoại cũng đã giúp mình vượt qua những giai đoạn đó” – Uy Lê chia sẻ.

Về dự định trong tương lai, Saigon Tếu đang cố gắng thực hiện những show lớn hơn để tìm lượng khán giả lớn hơn. Sắp tới cả nhóm còn định ra Hà Nội một chuyến để thực hiện show và workshop. Cùng mong đợi và ủng hộ những hoạt động tiếp theo từ Saigon Tếu.

Uy Lê là diễn viên hài độc thoại song ngữ (Anh – Việt). Với phong cách chơi chữ, kể chuyện độc đáo, Uy đã trình diễn khắp châu Á: Tại Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia.

Với 5 năm kinh nghiệm trình diễn, Uy Lê nhận được những giải thưởng quốc gia và quốc tế như:

Giải Nhất Vietnam Comedy Competition 2018,

Chung kết Khu Vực Magners International Comedy Competition 2018,

Giải Nhì Bangkok International Comedy Competition (BICC) 2019,

Giám khảo cuộc thi Vietnam Comedy Competition 2019 và 2020.

Được tạp chí The New York Times gọi tên là Nhà vô địch Hài độc thoại, Uy Lê đã từng đứng trên những sân khấu lớn ở các quốc gia khác, thậm chí trong các sự kiện chuyên nghiệp cho Spotify, AIA và Region Management.