Cơn co tử cung được xem là động lực của quá trình chuyển dạ bình thường của cơ thể. Nếu cơn co tử cung có những thay đổi bất thường như rối loạn co bóp thì có thể dẫn đến tình trạng cuộc chuyển dạ bị kéo dài, gây ra những tai biến nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Đặc điểm của cơn co tử cung trong chuyển dạ đó là cơn co tử cung là sự xuất hiện tự nhiên trong sinh lý chuyển dạ và nó gây đau, hay vẫn thường gọi là “đau đẻ”. Sự đau do cơn co tử cung gây ra ở mỗi người phụ nữ là khác nhau và thường khi áp lực của cơn co tử cung lên đến 25-30 mmHg thì người mang thai sẽ có cảm giác đau. Cơn đau thường xuất hiện muộn, sau khi diễn ra cơn co tử cung và nó sẽ mất đi trước khi cơn co tử cung kết thúc.
Cơn co tử cung xuất phát thường ở sừng phải của tử cung người phụ nữ, lan truyền từ trên xuống dưới với tốc độ 1-2cm/s. Cơn co tử cung bình thường thì sẽ có tính chất chu kỳ và đều đặn, tăng dần, kéo dài hơn, cụ thể là trong thời gian khởi phát chuyển dạ thì tần số chỉ 15-20s, sau đó sẽ là 30-40s ở cuối kỳ xóa, mở cổ tử cung.
Ngoài ra, cơn co tử cung có tính chất 3 giảm như sau: áp lực cơn co tử cung giảm dần theo chiều từ trên xuống, thời gian co bóp của cơ tử cung giảm dần từ trên xuống dưới, sự lan truyền cơn co tử cung cũng tương tự là sẽ giảm dần từ trên xuống. Trong sinh lý chuyển dạ, số lượng cơn co tử cung thường là 70-180 và cũng còn phụ thuộc vào số lần đẻ của người phụ nữ cũng như tính chất cuộc đẻ và dễ hay khó, chất lượng cơ tử cung như thế nào.
Trong giai đoạn sổ thai là giai đoạn thứ 2 của quá trình chuyển dạ bình thường, sự kết hợp của cơn co tử cung và cơn co thành bụng đã giúp đẩy bào thai ra ngoài. Cơ chế của quá trình này như sau: cơ hoành đẩy xuống, cơ thành bụng thì co lại nên thể tích của ổ bụng giảm xuống làm áp lực ổ bụng tăng lên, ép vào đáy của cổ tử cung làm đẩy thai xuống phía dưới. Vào cuối giai đoạn sổ thai, áp lực của cơn co tử cung lớn dần và cơn co thành bụng diễn ra đã làm áp lực buồng ối tăng lên 120-150mmHg.
Đối với tiên lượng cuộc đẻ, cơn co tử cung cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho cuộc đẻ diễn ra tốt mà không phải can thiệp bất cứ phương pháp hay dụng cụ trợ giúp nào. Cơn co tử cung nếu diễn ra nhịp nhàng, đều đặn và tương ứng với độ xóa mở của cổ tử cung người phụ nữ thì sẽ giúp cuộc đẻ tiên lượng tốt, cụ thể như sau:
- Giai đoạn tiềm tàng: 2-3 cơn/10ph
- Giai đoạn cổ tử cung mở được 5cm đến 6cm: 3-5 cơn/10ph.
- Giai đoạn cổ tử cung mở được 10cm và người phụ nữ đang thực hiện rặn đẻ: 4-6 cơn/10ph.
Ngược lại, nếu cơn co tử cung diễn ra không đều, không đồng bộ, tần số tăng dần hay giảm dần, quá mạnh hay quá yếu cũng sẽ dẫn đến những vấn đề như thai suy, rau bong non, tử cung bị vỡ, chảy máu sau sinh, nhiễm trùng hậu sản…