Đối tác công tư là gì?

Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đãvà đang triển khai thành công mô hình đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm này còn khá mới mẻ và chưa được triển khai rõ nét. Vì vậy, thông qua bài viết này, chúng tôi mong muốn cung cấp cho Quý vị những thông tin cơ bản nhằm giải đáp đối tác công tư là gì?, mời Quý vị đón đọc.

Đối tác công tư là gì?

Đối tác công tư là cụm từ dùng để mô tả mối quan hệ giữa Nhà nước và tư nhân trong việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng trong một quốc gia, được dịch theo nghĩa tiếng Anh của cụm từ “Public Private Partner” (viết tắt là PPP).



Về mặt pháp lý, thuật ngữ thường gắn liền với cụm từ đầu tư. Cụ thể, khoản 1 điều 3 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định “đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công”.

Đặc điểm của đối tác công tư gồm những gì?

Bên cạnh việc giải thích “đối tác công tư là gì?”, chúng tôi sẽ làm rõ các đặc điểm của đối tác công tư, cụ thể như sau:

– PPP là sự cộng tác giữa khu vực công và khu vực tư dựa trên một hợp đồng dài hạn để cung cấp dịch vụ.

+ Khu vực công bao gồm các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các cơ quan này sẽ thành lập đơn vị quản ý dự án hoặc giao ban quản lý dự án đủ năng lực, chuyên môn thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình theo hợp đồng.

+ Khu vực tư là các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án dựa trên Giấy chứng nhận đầu tư và Hợp đồng dự án PPP.

– Các dự án đầu tư theo hình thức này đều mang tính chất lợi ích công nên các dự án này chủ yếu tập trung vào các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị hoặc dịch vụ công như giao thông vận tải, nhà máy điện, đường dây tải điện,…

– Có sự phân bổ hợp lý về lợi ích, chi phí, rủi ro và trách nhiệm giữa hai khu vực

– Kết quả mong đợi là hiệu quả hoạt động của dự án và chất lượng dịch vụ

– Đối tác tư nhân thực hiện việc thiết kế, xây dựng, tài trợ vốn và vận hành

– Việc thanh toán sẽ được thực hiện trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng

– Quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về khu vực công và khu vực tư nhân sẽ chuyển giao tài sản lại cho khu vực công khi kết thức thời gian hợp đồng.

Các mô hình PPP được Việt Nam cho phép thực hiện là những mô hình nào?

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 63/2018/NĐ-CP, Việt Nam cho phép thực hiện các dự án PPP theo các mô hình sau:

+ Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng;

Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng;

Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

+ Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng;

Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện Dự án khác.

+ Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng;

Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sở hữu và được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

+ Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTL) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng;

Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

+ Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BLT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng;

Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (sau đây gọi tắt là hợp đồng O&M) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định.

+ Hợp đồng hỗn hợp là hợp đồng dự án kết hợp các loại hợp đồng trên.

Trường hợp còn thắc mắc liên quan đến bài viết “Đối tác công tư là gì?”, Quý độc giả hãy liên hệ Luật Hoàng Phi để được hỗ trợ theo số 1900 6557, trân trọng!