Mục lục
Sự thỏa mãn công việc của người lao động
Khái niệm
Sự thỏa mãn công việc trong tiếng Anh là Job Satisfactions.
Có nhiều khái niệm khác nhau về sự thỏa mãn công việc. Dưới đây là một số khái niệm tiêu biểu:
– “Sự thỏa mãn công việc là sự hài lòng của một cá nhân đối với công việc” (Oxford Advance Learner’s Dictionary);
– “Sự thỏa mãn công việc là việc nhân viên được đáp ứng nhu cầu hay mong muốn của họ khi làm việc” hay “sự thỏa mãn công việc đơn giản là việc người ra cảm thấy thích công việc của họ và các khía cạnh công việc của họ” (Spector, 1997);
– “Sự thỏa mãn công việc chủ yếu phản ánh mức độ một cá nhân yêu thích công việc của mình” (Kreitner và Kinicki, 2007). Đó chính là tình cảm hay cảm xúc của người nhân viên đó đối với công việc của mình. Một người được xem là có sự thỏa mãn công việc thì người đó sẽ có cảm giác thoải mái, dễ chịu đối với công việc của mình.
Tuy có khái niệm khác nhau song các tác giả đều cho rằng khi nhu cầu cá nhân được đáp ứng qua thực hiện công việc của họ thì họ sẽ thấy thỏa mãn với công việc.
Tầm quan trọng của sự thỏa mãn trong công việc
Việc một nhân viên hài lòng với công việc của mình là nhân tố rất quan trọng đối với tổ chức của người đó, vì họ sẽ cống hiến những gì tốt nhất trong khả năng của mình cho tổ chức.
Mỗi một nhân viên đều muốn phát triển sự nghiệp một cách mạnh mẽ và có được sự cân bằng công việc tại nơi làm việc. Nếu một nhân viên cảm thấy hài lòng với công ty và công việc của họ, họ sẽ tìm cách trả lại cho công ty bằng tất cả những nỗ lực của họ.
Tầm quan trọng của sự thỏa mãn trong công việc có thế được nhìn từ quan điểm của người lao động và chủ lao động:
Đối với người lao động: Sự thỏa mãn trong công việc là kiếm được một mức lương tốt, ổn định công việc, có sự phát triển nghề nghiệp ổn định, được thưởng và được công nhận, liên tục có những cơ hội mới.
Đối với chủ lao động: Sự thỏa mãn trong công việc của người lao động là một khía cạnh quan trọng để có được những điều tốt nhất từ họ. Một nhân viên hài lòng với công việc luôn đóng góp nhiều hơn cho công ty, giúp kiểm soát sự tiêu hao và giúp công ty phát triển.
Những tác động tích cực của sự thỏa mãn trong công việc
– Nhân viên sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu họ hài lòng với công việc của mình
– Lòng trung thành của nhân viên cao hơn dẫn đến việc cam kết nhiều hơn
– Mang lại lợi nhuận cao hơn cho các công ty
– Khả năng giữ chân nhân viên cao hơn nếu họ luôn thấy hài lòng
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự thỏa mãn trong công việc
Sự thỏa mãn trong công việc có liên quan đến tâm lí của nhân viên. Một nhân viên luôn hạnh phúc và hài lòng trong công việc sẽ có động lực để đóng góp nhiều hơn. Mặt khác, một nhân viên không hài lòng lại thờ ơ, mắc sai lầm và trở thành gánh nặng cho công ty. Các yếu tố góp phần vào sự thỏa mãn trong công việc là:
1. Sự bù đắp và điều kiện làm việc: Một nhân viên có mức lương tốt, ưu đãi, phần thưởng, đãi ngộ chăm sóc sức khỏe,…thỏa mãn với công việc của họ hơn so với những người không có cùng điều đó. Một môi trường làm việc lành mạnh cũng tăng thêm giá trị cho nhân viên.
2. Sự cân bằng trong cuộc sống và công việc: Mỗi cá nhân đều muốn có một nơi làm việc tốt cho phép họ có thời gian dành cho gia đình và bạn bè. Điều này cải thiện chất lượng cuộc sống và công việc của người lao động.
3. Được tôn trọng và được công nhận: Bất kì cá nhân nào cũng đánh giá cao và cảm thấy có động lực nếu họ được tôn trọng tại nơi làm việc. Ngoài ra, nếu họ được thưởng vì đã làm việc chăm chỉ và nỗ lực, nó sẽ tạo động lực thúc đẩy họ.
4. An toàn chức nghiệp: Nếu một nhân viên được đảm bảo rằng công ty sẽ giữ họ lại ngay cả khi thị trường hỗn loạn, điều đó mang lại cho họ niềm tin to lớn.
5. Những thử thách: Một công việc đều đều buồn tẻ có thể khiến nhân viên không cảm thấy thỏa mãn. Do đó, những việc như luân chuyển công việc, “thiết kế” lại công việc để tạo thêm thử thách cho nhân viên cũng như tránh việc họ phải làm một việc lặp đi lăp lại một cách nhàm chán.
6. Phát triển sự nghiệp: Người lao động luôn coi việc phát triển sự nghiệp là ưu tiên trong cuộc sống của họ. Do đó, nếu một công ty hỗ trợ và trao cho nhân viên những vai trò công việc mới mẻ hơn, nó sẽ làm tăng cường sự thỏa mãn trong công việc vì họ biết rằng mình sẽ có được sự thăng tiến trong sự nghiệp. (Theo MBASkool)