Phát triển nguồn nhân lực là gì? Khái niệm, nội dung và vai trò

Nguồn nhân lực là tài sản lớn nhất của một quốc gia. Đây là một trong những yếu tố quyết định cạnh tranh của quốc gia đó trên thế giới. Vì lý do đó, phát triển nguồn nhân lực đang là chiến lược trọng tâm của nước nhà. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về các chính sách phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam tại bài viết dưới đây.

1. Phát triển nguồn nhân lực là gì?

Phát triển nguồn nhân lực là tổng thể các hoạt động đào tạo có tổ chức được tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định nhằm tạo ra sự thay đổi về năng lực nghề nghiệp của người lao động theo hướng tích cực. Từ đó nâng cao chất lượng lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.



phat trien nguon nhan luc
Phát triển nguồn nhân lực là gì?

> Tìm hiểu rõ hơn khái niệm nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực bao gồm ba loại hoạt động chính là: giáo dục, đào tạo và phát triển.

  • Giáo dục: là sự chuẩn bị kiến thức cơ bản và cần thiết cho nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động trong tương lai. Đây là bước gây dựng tư duy suy nghĩ, có yếu tố cốt lõi trong quá trình phát triển nhân lực.
  • Đào tạo: được hiểu là các hoạt động giúp người lao động thực hiện có hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Đó chính là quá trình giúp người lao động nắm vững nghiệp vụ, nâng cao trình độ và kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả hơn. Các hoạt động đào tạo hướng đến sự thực tế áp dụng vào công việc. Do vậy, nó mang tính chuyên môn hoá cao. Mỗi nghề nghiệp sẽ có các hoạt động đào tạo riêng biệt.
  • Phát triển: là các hoạt động vươn ra khỏi phạm vi công việc của người lao động, nhằm phát triển nhân lực dựa trên cơ sở định hướng tương lai của tổ chức. Đây là sự kết hợp giữa giáo dục và đào tạo, mang tính lâu dài. Quá trình này không chỉ ảnh hưởng tới người lao động, doanh nghiệp mà còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của xã hội.

2. Vai trò của phát triển nguồn nhân lực

2.1. Đối với doanh nghiệp

Quá trình phát triển nguồn nhân lực nuôi dưỡng năng lực, kỹ năng và thái độ của người lao động. Điều này giúp gia tăng hiệu suất giá trị của tổ chức.

Không có doanh nghiệp nào tốt khi không có nguồn nhân lực vững mạnh. Nhân lực chính là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Nó là thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển. Nguồn tài sản trí tuệ này không những giữ vững hiệu quả cho hoạt động hiện tại của doanh nghiệp mà còn sinh ra lợi nhuận cho tương lai.

phat trien nguon nhan luc la gi
Phát triển nguồn nhân lực giúp nâng cao giá trị của doanh nghiệp

Ngoài ra, khi doanh nghiệp nâng cao trình độ nhân lực, sẽ tạo ra sự năng động cho tổ chức. Đồng thời, giúp tổ chức đạt tới mục tiêu phát triển bền vững lâu dài, giúp ích cho việc quản lý của doanh nghiệp được tốt hơn.

2.2. Đối với người lao động

Khi được tham gia vào quá trình phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, người lao động có được môi trường thể hiện năng lực và phẩm chất cá nhân đối với công việc. Thử thách bản thân thành công không chỉ giúp nhân viên phát triển kỹ năng mà còn mang đến sự hạnh phúc khi làm việc.

Về lâu dài, quá trình khẳng định bản thân mang đến sự sáng tạo vô hạn cho người lao động, giúp họ trở nên chuyên nghiệp và dễ dàng thích ứng với mọi sự thay đổi trong công việc hiện tại tương lai.

3. Chính sách phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam

Phát triển nguồn nhân lực cần bảo đảm về số lượng, chất lượng và sự phân bổ của nhân lực lao động. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải nâng cao tinh thần, phát triển trình độ chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.

3.1. Đảm bảo số lượng và cơ cấu phù hợp

Sự gia tăng số lượng con người trong nguồn nhân lực phải phù hợp với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Xuất phát từ mục tiêu của doanh nghiệp, từ yêu cầu công việc, yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng của nguồn lực, quy trình công nghệ mà doanh nghiệp cần chuẩn bị cơ cấu nguồn nhân lực cho phù hợp, thể hiện ở số lượng, cơ cấu độ tuổi, cơ cấu giới tính, trình độ và sự phân bố của nguồn nhân lực tại các bộ phận trong doanh nghiệp.

khai niem phat trien nguon nhan luc
Nội dung phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp

Sự phát triển quá nhiều hay quá ít, tạo ra sự dư thừa hay thiếu hụt so với nhu cầu đều là sự phát triển bất hợp lý, gây trở ngại cho việc sử dụng nguồn nhân lực.

Khi có quy mô và có cơ cấu lao động phù hợp, doanh nghiệp lại vừa sử dụng có hiệu quả từng người lao động, vừa kích thích được tính tích cực lao động của người lao động. Điều này cũng có ý nghĩa là khi chiến lược, mục tiêu, điều kiện kinh doanh thay đổi thì cơ cấu nguồn nhân lực phải thay đổi tương ứng.

3.2. Nâng cao động lực của người lao động

Để phát triển nguồn nhân lực về mặt đạo đức, tác phong của người lao động, đòi hỏi doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ lao động của mình đạt được những phẩm chất tâm lý xã hội cơ bản như: Có ý thức kỷ luật tự giác, hợp tác cao; say mê nghề nghiệp, chuyên môn; sáng tạo, năng động trong công việc; khả năng thích nghi cao.

Người lao động cần có động cơ làm việc tích cực, xem sự phát triển của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của bản thân mình, từ đó đem hết sức lực và trí tuệ ra để hoàn thành công việc.

3.3. Phát triển trình độ chuyên môn và kỹ năng

Trình độ chuyên môn kỹ thuật là kiến thức tổng hợp cần thiết để đảm đương các chức vụ trong quản lý, kinh doanh và các hoạt động khác. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực có được thông qua quá trình giáo dục và đào tạo.

Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, doanh nghiệp cần thực hiện các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn nhằm bồi dưỡng nâng cao và cập nhật kiến thức cho mọi đối tượng nhân viên.

Phát triển trình độ kỹ năng là nội dung căn bản trong phát triển nguồn nhân lực, quyết định hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Bởi lẽ, cho dù đạt được một trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao nhưng thiếu kỹ năng và sự lành nghề cần thiết, người lao động không thể hoàn thành một cách có hiệu quả quá trình lao động sản xuất của mình trong thực tiễn.

Ngày nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp phát triển như vũ bão trên thế giới, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cũng cao hơn bao giờ hết. Nguồn nhân lực Việt Nam tuy không thiếu, nhưng đang ở giai đoạn quá độ chuyển đổi từ nguồn nhân lực giá rẻ sang nguồn chất lượng tay nghề cao.

Việc phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp là điều không thể không bàn trước. Người lao động cần tự trang bị thêm các kỹ năng xã hội cần cho sự hội nhập như linh hoạt, tư duy phản biện, tính chuyên nghiệp và hiệu suất cá nhân để từng bước hội nhập với thị trường lao động thế giới.