Giới thiệu chung về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại Việt Nam là một sự kiện quan trọng của ngành Giáo dục Việt Nam, được tổ chức bắt đầu vào năm 2015. Là kỳ thi 2 trong 1, được gộp bởi hai kỳ thi là Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng, kỳ thi này xét cho thí sinh hai nguyện vọng: tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhằm giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí. Ngày 26 tháng 2 năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ban hành Quy chế thi của kỳ thi này. Quy chế thi đã được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn từng năm.

Kỳ thi THPT quốc gia là gì?

Để tham dự kỳ thi này, thí sinh phải thi ít nhất 4 bài thi gồm 3 bài thi độc lập bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, GDCD). Hình thức thi và lịch thi theo hướng dẫn hằng năm của Bộ Giáo dục Việt Nam.



Cách thức tổ chức kỳ thi:

1. Đơn vị tổ chức thi cho thí sinh

  • Là các trường Đại học, Cao đẳng, các Học viện, Cục nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam và các sở Giáo dục và Đào tạo.
  • Với các thí sinh có nhu cầu vừa xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, hoặc chỉ có nhu cầu tuyển sinh vào các trường này, thí sinh phải thi ở cụm thi do các trường đại học chủ trì. Cụm thi này phải có ít nhất thí sinh từ hai tỉnh trở lên và phải đảm bảo điều kiện ăn ở, đi lại của thí sinh. Với các thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp thì các em chỉ cần thi ở các cụm do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Cục Nhà trường có quyền hạn như một Sở Giáo dục và Đào tạo. Năm 2016, mỗi tỉnh thành tổ chức một cụm thi đại học và một cụm thi tốt nghiệp. Từ năm 2017, mỗi tỉnh thành chỉ còn một cụm thi duy nhất do Sở GD&ĐT tỉnh/thành đó chủ trì có sự phối hợp của các trường đại học. Điều này tránh được việc thí sinh phải qua tỉnh khác tham gia kì thi.

Cách tổ chức thi.

2. Đối tượng được tham dự kỳ thi và trách nhiệm

  • Là các thí sinh học hết chương trình Trung học phổ thông hoặc các chương trình tương đương với cấp Trung học phổ thông của Việt Nam; những người chưa có bằng tú tài hoặc những ai đã tốt nghiệp THPT có nguyện vọng tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
  • Các em chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì); các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Đặc biệt là càng không được mang tài liệu hay điện thoại di động vào phòng thi vì cách ra đề của kỳ thi này đã đổi mới nên dù có mang vào cũng không sử dụng được và nếu bị phát hiện sẽ bị đình chỉ thi.

3. Điểm thi và cách thức xét tốt nghiệp

  • Điểm xét tốt nghiệp Trung học phổ thông là 5 điểm trở lên. Nó được tính với tổng điểm 4 môn thi, điểm trung bình cả năm lớp 12, điểm khuyến khích và điểm ưu tiên (nếu có) qua công thức: lấy tổng điểm của 4 bài thi cộng điểm khuyến khích tất cả chia 4 rồi nhân 7, rồi cộng với điểm trung bình cả năm lớp 12 nhân 3; sau đó lấy tổng trên chia 10 và cộng với điểm ưu tiên (nếu có). Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến 2 chữ số thập phân, do phần mềm máy tính tự động thực hiện.
  • Bộ Giáo dục và Đào tạo độc quyền công bố điểm thi. Mỗi thí sinh được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi, bao gồm một giấy chứng nhận cho nguyện vọng 1 và ba giấy chứng nhận cho các nguyện vọng còn lại. Từ năm 2016, mỗi thí sinh chỉ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định.

Môn thi và cách chọn môn thi của thí sinh:

Cách chọn môn thi.
  • Thí sinh phải thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ cùng một bài tự chọn trong số các bài thi còn lại: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, GDCD với THPT và Sử-Địa với GDTX). Để xét tuyển sinh Đại học có thể đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp khối xét tuyển. Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
  • Trước khi thi theo bài tổ hợp, thông thường môn Lý là môn có số lượng đăng ký dự thi đông nhất bởi chỉ cần thi thêm môn này, thí sinh đã có thể xét tuyển vào các khối D, A1. Hơn nữa, môn này thường là môn thi trắc nghiệm nên có thể ăn may khi gặp câu hỏi khó và dễ lấy điểm cao. Môn Sử có tình trạng ngược lại khi rất ít thí sinh chọn thi. Có những trường “trắng” học sinh thi sử. Điều này đã chứng minh cho cách dạy và học sử của các trường tại Việt Nam trong nhiều năm: Ép buộc học sinh học thuộc quá nhiều, nhớ chi tiết từng con số, sự kiện. Đó là cách chọn môn thi của hàng nghìn thí sinh miền xuôi, ở thành phố (trong kỳ thi 2015; 2016); tuy nhiên, ở vùng núi và hải đảo có rất nhiều vùng có tỷ lệ thí sinh chọn sử rất cao còn vật lý thì ngược lại. Các môn Sinh học, Địa lý và Hóa học có thí sinh lựa chọn tương đối đồng đều. Ông Vũ Minh Quang cho rằng việc học sinh ít chọn môn Sử là thuộc trách nhiệm của người dạy.
  • Kể từ năm 2017, bài thi KHXH cùng môn Sử-Địa-GDCD đã lên ngôi, vượt các môn KHTN bởi chuyển sang thi theo hình thức trắc nghiệm

Cảm ơn các bạn đã xem và đón đọc.