Sinh thiết và chọc hút tủy xương là gì? – Bệnh Viện FV

TẠI SAO CẦN THỰC HIỆN THỦ THUẬT NÀY?

Sinh thiết tủy xương và chọc hút tủy xương giúp cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng của tủy xương và các tế bào máu.

Bác sĩ có thể tiến hành khảo sát tủy xương để:



  • Chẩn đoán bệnh hoặc tình trạng liên quan đến tủy xương hoặc các tế bào máu;
  • Xác định giai đoạn hoặc tiến triển bệnh;
  • Theo dõi việc điều trị bệnh.

Thủ thuật sinh thiết và chọc hút tủy xương có thể được áp dụng cho nhiều tình trạng, bao gồm:

  • Các tình trạng về tế bào máu, trong đó có một số loại tế bào máu sản sinh quá ít hoặc quá nhiều như tình trạng giảm hồng cầu, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng tiểu cầu, giảm toàn thể huyết cầu và đa hồng cầu;
  • Ung thư máu hoặc tủy xương, bao gồm bệnh bạch cầu, u bạch huyết và đa u tủy;
  • Ung thư di căn từ các vùng khác như ung thư vú di căn vào tủy xương;
  • Chứng nhiễm sắc tố sắt;
  • Sốt không rõ nguyên nhân.

CHUẨN BỊ NHƯ THẾ NÀO

Khảo sát tủy xương thường được thực hiện ở khu điều trị ngoại trú mà không cần sự chuẩn bị đặc biệt nào. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể:

  • Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng. Một số loại thuốc và thực phẩm chức năng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu sau khi sinh thiết và chọc hút tủy xương.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bệnh nhân cảm thấy lo lắng về thủ thuật. Hãy trao đổi những lo lắng về cuộc khảo sát với bác sĩ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc an thần trước khi khảo sát kết hợp với thuốc gây tê (gây tê tại chỗ) tại vị trí đâm kim.

QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN

Thủ thuật có thể được thực hiện trong phòng khám bệnh hoặc tại giường bệnh đối với bệnh nhân nội trú.

Hầu hết các trường hợp chỉ cần gây tê tại chỗ vì khảo sát tủy xương có thể gây đau nhói trong thời gian ngắn. Bệnh nhân sẽ hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình thực hiện thủ thuật, nhưng vị trí sinh thiết và chọc hút sẽ được gây tê để giảm đau. Nếu cảm thấy lo lắng về cơn đau, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc qua đường truyền tĩnh mạch để gây mê một phần hay hoàn toàn trong quá trình khảo sát tủy xương.

Việc khảo sát tủy xương thường mất khoảng 10 phút. Quá trình này có thể cần thêm thời gian để chuẩn bị và chăm sóc sau thủ thuật, đặc biệt nếu bệnh nhân cần thuốc an thần qua đường truyền tĩnh mạch.

Chọc hút tủy xương

Dịch tủy xương thường được lấy từ đỉnh chóp của mặt sau xương chậu (mào chậu sau). Đôi khi, có thể lấy ở phía trước hông. Một số trường hợp mẫu được lấy từ xương ngực (xương ức) hoặc, từ phần xương dưới gối đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm sấp hay nằm nghiêng (hoặc nằm ngửa nếu thực hiện thủ thuật ở xương ức), cơ thể bệnh nhân sẽ được phủ khăn chỉ để lộ vùng cần thực hiện thủ thuật. Vị trí mà bác sĩ đâm kim sinh thiết sẽ được đánh dấu và sát khuẩn. Khu vực cần lấy mẫu sẽ được “gây tê” bằng thuốc Lidocaine.

Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ để đưa một cây kim rỗng qua xương và đi vào tủy. Sau khi gắn kim vào ống tiêm, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch lỏng của tủy xương. Bệnh nhân có thể cảm thấy một cơn đau nhói hoặc buốt ngắn. Việc chọc hút tủy xương chỉ mất vài phút và trong một lần thực hiện thủ thuật có thể cần lấy vài mẫu bệnh phẩm.

Đội ngũ nhân viên y tế sẽ kiểm tra để đảm bảo lấy đủ mẫu bệnh phẩm. Hiếm khi nào xảy ra trường hợp không thể lấy dịch lỏng của tủy xương và phải rút kim để thực hiện lại.

Sinh thiết tủy xương

Mẫu mô tủy xương (sinh thiết) thường được lấy từ đỉnh chóp của mặt sau xương chậu (mào chậu sau), đôi khi cũng có thể lấy mẫu sinh thiết ở phía trước hông.

Bác sĩ sẽ sử dụng một loại kim có kích cỡ lớn hơn để lấy mẫu mô đặc của tủy xương. Kim sinh thiết được thiết kế đặc biệt để lấy lõi của tủy xương (mẫu hình trụ). Bác sĩ sẽ xoay kim cho đến khi lấy được mẫu mô. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau và có sức ép khi kim di chuyển vào trong xương. Sau đó, bác sĩ sẽ rút toàn bộ kim ra ngoài và ấn nhẹ lên vùng này để giúp ngưng chảy máu.

  • Xương đặc
  • Xương xốp
  • Tủy
  • Khung xương chậu