Ý nghĩa của chữ Văn trong từ Văn Miếu- Văn Miếu thờ ai? | Nghiên Cứu Lịch Sử

Nguyễn Văn Nghệ

Đài RFA (Á châu tự do) có bài viết “Văn miếu xưa và nay”đã nhận định về việc một số địa phương ở Việt Nam cho xây dựng Văn miếu: “Vừa qua nhiều địa phương tại Việt Nam rộ lên việc xây dựng công trình phỏng theo Văn miếu ở Hà Nội, tuy nhiên sau khi hoàn thành các địa phương tỏ ra lúng túng không biết đưa vị nào vào thờ chính tại Văn miếu địa phương của họ”. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã trả lời phóng viên về việc này: “Ở tỉnh Vĩnh Phúc người ta đầu tư xây dựng một cái Văn miếu với kinh phí 271 tỷ đồng chẳng hạn, nhưng bây giờ xây xong rồi vẫn bỏ không ở đấy, vì không biết phải đưa những người nào để vào thờ. Nếu đưa Khổng tử vào thì các nhà nghiên cứu, các học giả địa phương người ta cũng phản đối rồi. Hay tỉnh Hà Tĩnh xây đến 80 tỷ một cái Văn miếu thì đến bây giờ vẫn bỏ không. Hay là Văn miếu Sơn Tây nằm trên địa phận xã Đường Lâm cũng xây xong 4 đến 5 năm nay rồi nhưng chưa khánh thành và đưa vào hệ thống thờ cúng được, vì người ta không có lý do thuyết phục để đưa Khổng tử và đó để thờ” (1)



Ý nghĩa của chữ “Văn” trong từ “Văn miếu”

Năm Khai Nguyên thứ 27 vua Đường Huyền Tông có chiếu truy thụy Khổng tử là Văn Tuyên vương, nên những nơi thờ Khổng tử gọi là Văn Tuyên vương miếu. Đời nhà Minh, niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1424) rút gọn cụm từ “Văn Tuyên vương miếu” thành “ Văn miếu”. Như vậy hai chữ Văn miếu dùng để gọi nơi thờ tự Khổng tử ở Trung Hoa và nước ta bắt đầu sử dụng từ thế kỷ XV trở về sau.

Hai chữ Văn miếu được dịch sang tiếng Pháp là Temple de la littérature, tiếng Anh là Literature Temple đều có nghĩa là “miếu Văn chương”. Riêng học giả Madrolle đã dịch hai chữ Văn miếu sang tiếng Pháp là Temple de la culture littéraire (= Miếu Văn hóa có tính văn chương). Nhà báo Hữu Ngọc nhận xét cách dịch của Madrolle: “Dịch như vậy có thể sát hơn Temple de la literature( Miếu Văn chương)” (2)

Chữ “Văn” trong Văn miếu có phải là “văn chương”, “văn học” không? Văn miếu là cách gọi tắt của Văn Tuyên vương miếu, mà trong đó Văn Tuyên vương chính là thụy hiệu của Khổng tử được vua Đường Huyền Tông truy thụy.

Tên thụy là tên đặt cho người chết, dựa theo hành vi lúc sống mà đặt tên cho. Sách Luận ngữ thiên Công Dã Tràng ghi lại lời vấn đáp giữa Tử Cống và Khổng tử: Tử Cống vấn viết: “ Khổng Văn tử, hà dĩ vị chi Văn dã?” Tử viết: “Mẫn nhi háo học, bất sỉ hạ vấn, thị dĩ vị chi Văn dã”( Ông Tử Cống hỏi Khổng tử: Ông Khổng Văn tử tại sao được tên thụy là Văn? Khổng tử đáp: Ông ấy đã minh mẫn mà lại háo học, không thẹn hỏi bậc dưới mình, vì vậy nên được tên thụy là Văn).

Thời nhà Trần, vua Trần Nghệ Tông đã ban thụy hiệu cho Chu Văn An là Văn Trinh công. Triều nhà Nguyễn quy định quan văn chánh nhất phẩm khi chết được ban thụy hiệu là Văn Nghị, thụy hiệu của quan văn tòng nhất phẩm là Văn Ý (3)

Hiện nay chữ “Văn” trong Văn miếu khi dịch sang tiếng nước ngoài chưa lột tả hết ý nghĩa chữ “Văn” trong thụy hiệu của Khổng tử.

Với tác giả Nguyễn Văn Tú thì suy luận cho rằng ý nghĩa của chữ “Văn” trong từ ngữ Văn miếu ở Văn miếu- Quốc tử giám Hà Nội không hoàn toàn giống như ý nghĩa chữ “Văn” trong từ ngữ Văn miếu bên Trung Quốc: “Nơi này được gọi là Văn miếu, hoàn toàn không theo cách gọi của Trung Quốc( gọi tắt Văn Tuyên vương miếu) mà đây là miếu thờ những người tuyên truyền, xây dựng lên cái Văn, trong đó có Chu công, Khổng tử các hiền triết của Nho giáo, đây là miếu thờ “Văn” với nghĩa của từ Văn như trích dẫn ở trên (điển chương, chế độ, lễ nhạc, nghi thức, giáo hóa…). Điều này được giải thích: Văn miếu được xây dựng thờ cả Chu công, người được Khổng tử coi là đã thực hiện và phát triển, biểu dương lễ tiết, giáo hóa, điển chương một cách mẫu mực và Khổng tử luôn lấy đó làm hình mẫu để học tập và xây dựng đạo của mình”. Và tác giả kết luận: “Qua việc phân tích ở trên, ta thấy nghĩa của chữ Văn trong Văn miếu ở Việt Nam không đơn giản là Văn Tuyên vương lại càng không phải là Văn học, Văn chương, bởi văn học, văn chương chỉ là một nghĩa rất hạn hẹp của từ Văn mà thôi”(4).

Cách giải thích của tác giả Nguyễn Văn Tú rất là khiên cưỡng, bởi vì trong quá khứ chưa thấy vị tiền bối nào của Nho giáo ở Việt Nam giải thích: “Nơi này được gọi là Văn miếu, hoàn toàn không theo cách gọi của Trung Quốc…”

Năm Dân Quốc thứ 3 (1914) Lễ Chế Quán của nhà nước Trung Hoa Dân Quốc đã phục lại từ Khổng tử miếu. Khổng tử miếu được dịch sang tiếng Pháp là Temple de Confucius (Miếu Khổng tử) hoàn toàn chính xác mà không hề sai lạc ý nghĩa.

Văn miếu thờ ai?

Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa- Đồng Nai) sau khi phục dựng lại đã thay đổi thiết chế thờ tự. Bài viết “Nho giáo Việt Nam- Từ góc nhìn di sản văn hóa” của PGS. TS. Đặng Văn Bài- nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Việt Nam- viết: “ UBND tỉnh Đồng Nai với sự ủng hộ của Bộ Văn hóa- Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các ban ngành ở Trung ương đã quyết định xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên với tư cách là một thiết chế đặc thù- nơi thờ và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các danh nhân văn hóa của đất nước và địa phương, trong đó có phối thờ Khổng tử với tư cách là người sáng lập Nho giáo”(5).

Lạ thay! Lạ thay! Nói đến thiết chế thờ tự ở Văn miếu thì người ta nghĩ ngay đến người được thờ ở chính điện của Văn miếu phải là Khổng tử. Đàng này Khổng tử lại được “phối thờ” ở Văn miếu Trấn Biên. Càng lạ hơn nữa là ông Hồ Chí Minh từng xưng mình là học trò nhỏ của Khổng tử, Thích Ca, Giê su…nhưng “học trò nhỏ” lại được hậu duệ của đảng cộng sản Việt Nam đặt vào trong chính điện của Văn miếu và vị “vạn thế sư biểu” lại được “phối thờ” nhưng lại được phối thờ ở ngoài sân Văn miếu Trấn Biên!

Nhìn thiết chế thờ tự như vậy thì còn gì là đạo lý “tôn sư trọng đạo” nữa!

Theo lời kể trên các trang thông tin chính thống của đảng, vào năm 1958, ông Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ, tại buổi đón tiếp ở Red Fort (Thành Đỏ), Thủ thướng J. Nehru mời ông Hồ Chí Minh lên ngồi trên một cái ghế giống như ngai vàng đặt trên bục danh dự, trong khi đó J. Nehru ngồi trên một cái ghế như mọi người khác. Ông Hồ Chí Minh đã chối từ và cuối cùng người ta đã chuyển chiếc ghế ấy đi và thay vào đó là một chiếc ghế giản dị hơn. Nếu ông Hồ Chí Minh còn sống, chắc ông cảm thấy không hài lòng với thiết chế thờ tự như ở Văn miếu Trấn Biên hiện nay.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến đã có ý kiến về Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc xây xong mà chưa biết thờ ai: “Xưa nay từ thời phong kiến, vua muốn xây dựng một công trình nào đó là một việc cực lớn, phải đưa ra bàn bạc với các quan đại thần, rồi từ đó mới tính đến chuyện tiền bạc thế nào. Chứ không phải xây xong rồi thích nhét một vị nào đó vào thì nhét đâu”(6)

Theo tờ trình của Sở Kế hoạch- Đầu tư và Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã nêu rõ lý do xây dựng Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc: “ Đây là nơi thờ Khổng tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn miếu. Ngoài thờ đức Khổng tử, Văn miếu Việt Nam còn là nơi đào tạo nhân tài, thờ các danh nhân văn hóa dân tộc như Chu Văn An, Trương Hán Siêu…”(7)

Tờ trình khẳng định xây dựng Văn miếu để thờ Khổng tử, nhưng khi dư luận lên tiếng thì lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc lại thiếu “dũng khí”, nói quanh co không giữ vững lập trường. Như vậy việc xây dựng Văn miếu thiếu “chính danh”. Tiến sĩ Trần Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định: “Chẳng qua bây giờ ồn ào như vậy thì người ta mới nói chưa chắc có thờ Khổng tử hay không. Chứ theo tôi đã gọi là Văn miếu thì chả thờ Khổng tử và một vài Nho sĩ Trung Quốc thì thờ ai? Buồn cười công trình xây xong rồi lại bảo là không thờ Khổng tử”(8).

Nếu giữ nguyên trạng thiết chế thờ tự hiện nay ở Văn miếu Trấn Biên hoặc không thờ Khổng tử ở Văn miếu Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Sơn Tây thì phải thay chữ “Văn” trong Văn miếu thành “Lãnh tụ miếu” hoặc “Danh nhân văn hóa dân tộc miếu” chẳng hạn. Có như vậy mới “Chính Danh”. Bởi vì “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành”- Luận ngữ: Tử Lộ XIII, 3)

Đả phá Khổng tử

Đối với thể chế cộng sản tất cả những gì liên quan đến Khổng giáo đều được xem là “hệ tư tưởng phản động và bảo thủ” hoặc là “tàn dư tệ hại” cần phải loại trừ, cho nên trước đây chẳng ai dám công khai nhắc đến hệ tư tưởng Nho giáo cả. Năm 1973, nhà giáo Nguyễn Lân ( 1906-2003) đã mạnh dạn viết bài “ Có nên vận dụng phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không?” (đăng Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ở Hà Nội, số 31 tháng 7/1973), mà động cơ viết bài này theo lời của chính tác giả Nguyễn Lân, là do thực tế“một số trẻ em không ngoan,trong nhà thì bướng bỉnh với cha mẹ, ra đường thì hỗn láo với mọi người, đến trường thì xấc xược với thầy giáo”. Ngay sau khi bài báo xuất hiện, trên báo Tiền Phong của Trung ương Đoàn(số 2351 ra ngày 16/08/1973) có bài báo dài của tác giả Thanh Bình nhan đề “Quét sạch những tàn dư tệ hại của Khổng giáo” với những kết luận chém đinh chặt sắt: “…Chúng ta không thể dung hòa được với Khổng giáo và hệ tư tưởng phản động và bảo thủ của nó”… “Chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi lãnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy”.Tiếp theo bài báo này, báo Tiền Phong còn định ra cả một loạt bài khác nữa để công kích sự đề xuất trên của nhà giáo Nguyễn Lân, nhưng ông Phạm Văn Đồng với tư cách là Thủ tướng đã can thiệp dừng lại(9).

Mặc dù hiện nay sách liên hệ đến Nho giáo được công khai xuất bản nhưng do cộng sản tuyên truyền trong một thời gian dài nên não trạng xem Nho giáo là “hệ tư tưởng phản động và bảo thủ kiềm hãm sự phát triển xã hội” vẫn còn tồn tại trong nhiều người Việt sentayho.com.vnều người cả đời chưa bao giờ đọc Tứ thư hoặc chí ít là quyển Nho giáo của Trần Trọng Kim nhưng khi mở miệng ra là công kích học thuyết Nho giáo. Có nhiều học thuyết mới ra đời chưa được bao lâu mà đã lỗi thời trông thấy rõ huống chi học thuyết Nho giáo ra đời các nay hơn 2000 năm thì làm sao tránh khỏi những điều lỗi thời. Chúng ta hãy bình tâm mà đọc những lời nhận xét học thuyết Nho giáo của nhà nghiên cứu Will Durant: “Không nên trách Khổng tử về những nhược điểm ấy. Không ai lại đòi một triết gia phải suy tư cho hai chục thế kỷ. Trong một đời người làm sao có thể tìm được con đường đưa tới tri thức cho hết thảy các đời sau. Mà rất ít người làm nhiệm vụ ấy một cách đầy đủ như Khổng tử. Càng hiểu rõ ông, chúng ta càng ngạc nhiên rằng chỉ có một phần nhỏ trong đạo của ông là không hợp với khoa học, với những sự biến đổi do thời gian. Khi ta nhận thấy rằng ngay ở thời đại chúng ta, ông vẫn còn là người chỉ đường chắc chắn cho chúng ta thì chúng ta quên những lời đôi khi hơi nhàm của ông và đức độ quá hoàn toàn của ông làm cho ta có lúc chịu không nổi”(10)

Đúng vậy, học thuyết Nho giáo vẫn còn nhiều điều hữu ích trong cuộc sống của người dân Việt Nam hiện nay. Ví dụ để trở thành một người cán bộ lãnh đạo có năng lực được dân yêu quý, phải tuân thủ “bát điều mục” trong Nho giáo. Đó là: chính tâm, thành ý, cách vật, trí tri, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Do đó việc tôn thờ các nhà sáng lập các học thuyết hữu ích cho nhân loại là một việc làm phải đạo.

Chú thích

1 – sentayho.com.vn/vietnamese/reportfromvn/vanmieu-past-and-present-ttvn-04262017071110.html

2 – Hữu Ngọc, Lãng du trong văn hóa Việt Nam, Nxb Thanh niên, tr. 101

3 – Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 3, Nxb Thuận Hóa Huế- 1993, tr.225

-Đại Nam điển lệ toát yếu (Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác phiên âm và dịch nghĩa),Nxb TPHCM, tr. 19

4 – Nguyễn Văn Tú (Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn miếu- Quốc tử giám), Bàn về ý nghĩa các tên gọi của Văn miếu- Quốc tử giám trong lịch sử. In chung trong tập “Hội thảo khoa học Văn miếu -Quốc tử giám Hà Nội và hệ thống di tích Nho học Việt Nam”, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội; Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn miếu- Quốc tử giám chịu trách nhiệm xuất bản năm 2008, tr.136,137

5 – Đặng Văn Bài, Nho giáo Việt Nam- Từ góc nhìn di sản văn hóa, tr. 62. In chung trong “Hội nghị khoa học các đơn vị quản lý di tích Nho học Việt Nam” do Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn miếu-Quốc tử giám Hà Nội xuất bản

6;8 – sentayho.com.vn/vn/giai-tri/van-mieu-vinh-phuc-xay-xong-chua-biet-tho-ai-243334.html

7 – sentayho.com.vn/vn/thoi-su/xay-dung-van-mieu-vinh-phuc-sai-sot-hang-chuc-ty-319581.html

9 sentayho.com.vn/doc-duong-van-hoc/ve-khau-hieu-“tien-hoc-le-hau-hoc-van”.html

10 – Will Durant, Lịch sử Văn minh Trung Hoa (Nguyễn Hiến Lê dịch), Nxb Văn hóa Thông tin, tr. 92-93